Tin tức

Khi bạn tự tin, khó gì chuyện xưng "tôi"

Tự tin về kiến thức thì mới xưng "tôi" được

Chủ động tư duy, nâng cao vị thế của sinh viên trong trường đại học là một tư tưởng mới mẻ ở Việt Nam. Điều này luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của những nhà nghiên cứu giáo dục có tư tưởng tiến bộ.

Tuy nhiên bên cạnh đó, đại bộ phận những người làm giáo dục sẽ rất khó chấp nhận. Truyền thống tôn sư trọng đạo ngoài những giá trị văn hóa không thể phủ nhận, nó cũng đồng thời hình thành nên “nỗi sợ vô hình” của trò đối với thầy và “lời toàn năng” của thầy đối với trò.

Tranh luận giữa thầy và trò là điều hiếm thấy trong môi trường giáo dục hiện nay ở nước ta. Hiếm có người thầy nào chấp nhận học trò lại dám lên tiếng phản bác ý kiến của thầy, tranh luận đôi co, tự cho ý kiến của mình là đúng.

Kiểu giáo dục một chiều áp đặt, nhồi nhét chắc chắn sẽ khiến người học trở nên thụ động, ỷ lại, ít tìm tòi, sáng tạo, rập khuôn máy móc lời giảng của thầy và nội dung trong sách giáo khoa. Đối với các môn học xã hội, hầu hết sinh viên học chỉ mang tính đối phó, học thuộc lòng sáo rỗng. Đó là thực trạng hiện nay mà hầu hết các cấp trong hệ thống giáo dục điều mắc phải.

Vì vậy, đối với việc nâng cao vị thế của sinh viên trong đại học, phát huy tính chủ động của sinh viên trong học thuật, mấu chốt không chỉ nằm ở vấn đề xưng hô. Sinh viên không giám xưng TÔI với thầy giáo ngoài vấn đề do thói quen, truyền thống, quan trọng nhất là do sinh viên chưa đủ bản lĩnh để xưng “TÔI”.

Thứ nhất, đó là do sự bi quan, mơ hồ về lượng kiến thức của mình được trang bị. Sinh viên cảm thấy mình quá nhỏ bé đối với thầy đứng trên bục giảng.

Thứ hai, sinh viên thiếu sự tự tin để có thể trình bày và bảo vệ quan điểm của mình trước đám đông.

Thứ ba, sinh viên chưa nhận được sự “bật đèn xanh” từ phía thầy giáo.

Vì vậy, khi môi trường học thuật tạo cho người học một sự thoải mái để trao đổi thông tin, trang bị cho người học lượng kiến thức đầy đủ và vững chắc, tạo cho người học sự tự tin về những kiến thức mà mình được giáo dục, được nghiên cứu, phát huy được tính sáng tạo vốn có của con người thì việc thay đổi cách xưng hô lúc này chỉ là vấn đề úp ngửa bàn tay.

Nguyễn Lê Huyên
Nghiên cứu sinh thạc sỹ tại Trung Quốc

Lòng dũng cảm điểm 10

Học trò thường xưng "em" bởi thói quen và văn hóa Á Đông trong tôn sư trọng đạo chứ không hẳn là không đủ bản lĩnh. Tôi, khi còn đại học đã có những cuộc tranh luận "nẩy lửa" với một  thầy giáo đến từ Hà Nội. Bạn có tin nổi không, ông thua tôi? Nhưng sau đó, thầy đã thắng một cách ngoạn mục: "Thầy tôn trọng em vì dám nói đúng suy nghĩ của mình, dám cãi lại ông thầy chứ chưa hẳn là em đúng về mặt khoa học".

Ngày tôi tốt nghiệp, dù không liên quan gì, nhưng từ Hà Nội thầy đã bay vào TP.HCM chỉ để nói một câu đầy ấn tượng: "Chúc mừng cái thằng "tôi", tuy tốt nghiệp có điểm 7 nhưng có lòng dũng cảm điểm 10".

Hạ Xuyên

Tôi chỉ cần các thầy kích thích

Tôi đã ngồi ở trường đại học gần 4 năm và chuẩn bị ra trường như bao sinh viên khác. Nhưng có ai hỏi "Anh làm được gì?" thì tôi không trả lời được hay nói đúng hơn là không dám trả lời. Vì sao?

Đã ngần ấy thời gian ở trường, tôi chỉ nhận được những lí thuyết có thể gọi là chung nhất., khoảng cách giữa nó với thực hành là rất xa. Chúng tôi đã cố gắng dành nhiều thời gian để tìm kiếm kiến thức riêng cho mình, nhưng đó chỉ là những bộ phận riêng lẻ, không thể hoàn chỉnh được theo yêu cầu của xã hội.

Đúng là tài chính góp phần vào sự phát triển của giáo dục nhưng chỉ là một phần. Cái quan trọng là ở cái "tâm" của người thầy và sự phấn đấu của sinh viên. Các thầy là những người có kiến thức rộng, sâu và có nhiều kinh nghiệm thực tế, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc dạy tốt. Các thầy thường sử dụng ngôn ngữ của mình, chỉ có các thầy mới hiểu còn sinh viên thì mơ hồ. Các thầy cũng đã từng là sinh viên như chúng tôi, và lúc đó các thầy chắc chắn cũng không hiểu như chúng tôi. Sao các thầy không rút ra kinh nghiệm cho mình.

Tôi chưa đi dạy thật sự nhưng qua những lần dạy kèm, tôi thấy vai trò của một người thầy rất quan trọng. Có những điều mà mình cho là đơn giản nhất, sờ sờ ra trước mắt đến đứa bé cũng biết mà học trò của mình không biết, tôi nổi nóng và định dạy cho qua. Nhưng khi nghĩ lại lúc mình cùng trang lứa thì cũng như vậy, có thể do ngôn ngữ tôi nói quá khó hiểu hoặc là các em chưa nhìn rõ vấn đề. Tôi bình tĩnh tìm chỗ học trò không hiểu giảng lại từng bước, đến khi các em hiểu rõ thì tôi cảm thấy được niềm hạnh phúc.

Chúng tôi có thể tự nghiên cứu, tự tìm hiểu. Chỉ cần các thầy dùng hai hoặc ba tiết học với phương pháp đúng, kích thích hứng thú học tập ở sinh viên thì chất lượng giáo dục sẽ tiến bộ.

Chí Trung

Hày cùng học lại bản năng tranh luận

Tự học và tranh luận, điều đó rất quan trọng nhưng không phải cứ muốn là được! Tự học và tranh luận đối với sinh viên có nghĩa là tìm tòi kiến thức dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Vậy câu hỏi đặt ra là giảng viên có làm tròn và làm đúng trách nhiệm hướng dẫn đó chưa?

Công bằng mà nói làm sao sinh viên có thể có đủ trình độ để biết mình phải tự tìm hiểu và tranh luận những gì nếu không có sự hướng dẫn đúng đắn. Hầu hết các giảng đường đại học vẫn ngày ngày diễn ra cảnh thầy thao thao bất tuyệt còn trò thì chép bài đến mỏi cả tay những thứ sách giáo khoa đã có sẵn.

Giảng viên có bao giờ cảm thấy xấu hổ trước cái ngáp dài của sinh viên hay phải điểm danh hằng ngày để đảm bảo sĩ số một cánh miễn cưỡng? Có bao nhiêu môn học sinh viên được phép làm đề tài và tranh luận trước lớp và giảng viên? Muốn sinh viên tự học và tranh luận thì trước hết phải dạy cho họ thế nào là tự học và tranh luận.

Sau 12 năm học tập theo phương pháp học vẹt truyền thống thì hầu như những đầu óc bã đậu (theo cách nói đùa của bọn tôi) của sinh viên không còn bản năng tranh luận! Còn nữa, làm sao sinh viên có thể tranh luận trong khi thầy cô không ở tư thế sẵn sàng tiếp nhận ý kiến đối lập – có thể đúng và sai – của sinh viên. Rõ ràng ở đây cần một sự thay đổi mà trong đó có sự hợp tác giữa người dạy và người học một cách chặt chẽ!

Trần Thị Diễm Thúy

"Quyền hoài nghi và tranh cãi" của sinh viên? Dễ mà khó!

Dễ bởi lẽ thời nay nhiều sinh viên đã vượt ra khỏi cái khuôn khổ học máy móc như ngày xưa và nhiều giảng viên cũng đã nâng cao trình độ của mình để có thể trả lời được những câu hỏi hóc búa của sinh viên. Nhưng khó bởi còn quá nhiều sinh viên quá thụ động và vẫn còn giữ suy nghĩ rằng học mà nói nhiều là không còn đạo làm trò hay "kém mà bày đặt ta đây".

Điều này thể hiện rõ ở các trường ĐH ở Huế. Lớp tôi trên dưới 50 người, chỉ một sinh viên đứng dậy đặt vài câu hỏi, và khi chưa hiểu câu trả lời của thầy thì vẫn tiếp tục hỏi. Kết cục, SV đó nhận được sự phàn nàn của bạn bè "đã không biết rồi mà còn nói nhiều, làm mất hết thời gian ...".

Khó bởi tâm lý của nhiều giảng viên là giảng bài và SV phải nghe theo, hỏi thì cũng được nhưng ít thôi! Khó bởi có mấy SV tốt nghiệp lọai trung bình tìm được việc làm một cách minh bạch? Khó bởi cơ chế điểm 30, 70 thì ai dám bỏ một buổi học để lên mạng đọc cho được nhiều kiến thức mới?... Như vậy chẳng phải là đã làm mất tính tự chủ của SV rồi đấy sao?

Tuyết Đông

Qua đọc bài: "Sinh viên xưng tôi: quá khó!", tôi thật sự tâm đắc. Quả thật, bây giờ kiến thức thật bao la, ngoài kho tàng trên báo chí, sách, Internet... các sự kiện diễn biến đến chóng mặt. Thế nhưng, các nhà giáo của của nền giáo dục chúng ta cứ bắt sinh viên phải học theo lối "nhồi sọ", thậm chí là phải viết lách, dẫn dắt bài theo "gu" của mình, nếu không sẽ cho điểm không cao.

Tôi thấy giáo dục nước ta chỉ chú trọng đến việc bơm nhồi kiến thức mà không chú trọng đến kỹ năng, nghĩa là khả năng, tay nghề để làm việc và ứng dụng kiến thức cũng như thiếu đi cách làm việc có thảo luận, phản biện, liên kết sự kiện, phân tích, óc quan sát thấu đáo... quả là một điều hết sức thiếu sót và tai hại.

Tôi hoàn toàn đồng tình phải xem sinh viên là người trưởng thành, họ có quyền xưng "tôi", được tranh luận công khai với thầy cô về những chủ điểm còn mơ hồ. Chỉ có sự sáng tỏ của chân lí, sự thán phục trước kỹ năng trình bày và kiến thức sâu rộng, óc phân tích sâu sắc mới là "vầng hào quang" để người thầy chinh phục sinh viên mà thôi. Có những lúc, nếu người thầy không phản biện lại được, thì người thầy phải chấp nhận thế thắng thuộc về sinh viên. Và đa phần, những chủ đề thảo luận là những vấn đề còn chưa rõ, hoặc chân lý chỉ là tương đối, người thầy cần phải học hỏi để hoàn thiện tài năng, kiến thức của mình hơn nữa.

Phạm Minh Tuấn

Quả thực là chúng tôi còn thụ động rất nhiều, Vốn kiến thức thực tế còn ít. Trong quá trình theo học, chúng tôi hiếm khi được đi sâu đi sát vào thực tế. Với ngành nhân văn tôi đang theo học, chúng tôi cũng chỉ lên lớp và nghe giảng một chiều, những buổi thảo luận rất hiếm và nếu có thì chỉ diễn ra cho có lệ.

Thiết nghĩ cần phải thay đổi phương pháp giảng dạy để sinh viên chủ động hơn trong việc học và việc cống hiến cho đời.  Hãy tạo điều kiện cho Sinh viên đối thoại và trao đổi nhiều hơn nữa để chúng tôi thực sự chiếm lĩnh được tri thức. Xin đừng biến sinh viên thành những con rối, những vật thí nghiệm của giáo dục.

Trần Văn Quyến
Lớp Hán Nôm K29 ĐH Khoa Học Huế 77 Nguyễn Huệ Huế

Hãy đánh giá đúng chúng tôi

Hiện nay trong giảng đường ĐH sinh viên không được đánh giá đúng năng lực, rất thụ động. Cụ thể là: đánh giá sinh viên qua một bài kiểm tra cuối kỳ, theo tôi nó không có nghĩa lý gì, vì đề cương được phát cho sinh viên, học đề cương đó và thi... Và trong đầu sinh viên luôn cố hữu một điều: điểm, điểm và điểm...

Theo tôi giảng viên cần đánh giá sinh viên qua suốt quá trình học, bằng việc qua các buổi học, qua các bài tiểu luận, qua việc tham gia xây dựng bài, phát biểu bài... đánh giá và cho điểm sinh viên ngay từ những giai đoạn này và đến cuối kỳ có đánh giá chung, chứ không cần chú ý lắm đến bài kiểm tra cuối kỳ. Trên giảng đường giảng viên phải khơi dậy không khí học tập, lôi kéo sinh viên tập chung vào bài, nêu rõ tầm quan trọng của môn học, ứng dụng thực tế.... giúp sinh viên tiếp cận những phương pháp học mới và hay để đi đến cái cuối cùng là: HỌC -HIỂU - ỨNG DỤNG. Điều này làm cho sinh viên tích cực hơn, năng động hơn.

Nguyễn Minh Giám (Phú Thọ)

Tôi cũng là một sinh viên như mọi sinh viên khác, Có một điều mà bất kỳ sinh viên nào khi vào trường đại học, năm đầu tiên khi mới rời xa mái trường phổ thông là mang bao nhiêu ước mơ, và tin vào một điều, mình được tự chủ hơn trong mọi vấn đề kể cả trong việc học, không còn cảnh đọc chép, không còn cảnh học gạo, học thuộc lòng mà phải như thế nào kia, ví dụ chúng tôi hoàn toàn độc lập trong học tập.

Nhưng sau năm đầu tiên thì hầu hết là vỡ mộng môi trường đại học cũng chẳng khác là mấy so với phổ thông trung học, nơi chúng tôi là những cô bé, chú bé còn phải sự quan tâm từ cha, mẹ. Tất nhiên là tự bản thân mình phải phấn đấu với những sinh viên nông thôn mới ra thành thị thì việc phải làm quen với cuộc sống đã là một vấn đề thì những người thầy, người cô đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề trong học tập và truyền đạt kinh nghiệm sống.

Khi đưa ra những ý kiến, dĩ nhiên là có thể sai, sau tranh luận thì chúng tôi sẽ nhớ gấp nghìn lần "tụng kinh " lý thuyết chay. Nhưng có bao nhiêu trường đại học đáp ứng được điều đó? Trong các hội thảo giáo dục thì có bao nhiêu ý kiến của chúng tôi, trong khi chúng tôi mới là người đóng vai chính trong học tập? 

Minh Ha

Tôi đã tự học

Tự học là “tự giác học”, luôn luôn có con đường để tự học, ít nhất là trong lĩnh vực chuyên môn về truyền thông của tôi.

Chẳng hạn, một sinh viên ngành báo chí muốn trở thành một phóng viên giỏi, thì ngoài việc học ở trường, anh/ chị ta phải tìm cách học việc ở toà soạn càng sớm càng tốt, thực hành liên tục.để đến khi xin việc thì bộ sưu tập các sản phẩm đã đăng tải phải gồm thật nhiều tin, bài, ảnh hay và đẹp. Nếu cứ trông chờ vào kì thực tập do nhà trường tổ chức mới bắt đầu và dừng việc thực hành ngay sau đợt thực tập thì quá lắm họ cũng chỉ có thể có được… bảng điểm đẹp.

Tự học không chỉ giới hạn trong chuyên môn, mà còn có ý nghĩa là học ở mọi nơi, học từ mọi người, học để làm người có… học. Với cá nhân tôi, cha mẹ là những bậc giáo sư vĩ đại nhất, hơn bất cứ giáo sư nào trong trường đại học mà tôi từng theo học. Những bài học lớn mà cha mẹ dành cho tôi không có giáo án, giáo trình, chỉ là sự làm gương. Nửa thế kỉ trước, bố tôi, một chàng trai nhà quê mỗi sáng gánh cát thuê bên sông Hồng để nuôi thân trọ học, tối tối ngồi gốc đèn đường ôn bài… Ông vẫn có thể học đại học và trở thành một tiến sỹ y khoa, thì làm sao hôm nay tôi có thể đổ thừa cho hoàn cảnh để mà ngừng phấn đấu?

Tôi đã đến tòa soạn xin làm cộng tác viên ngay từ khi biết những nguyên tắc cơ bản nhất của việc làm báo. Tôi cũng xin làm việc trong các dự án nghiên cứu của các giáo sư từ năm thứ hai. Rồi tôi tự học tiếng Anh, ngoài giờ học ở trung tâm, bằng một cách rất “fun” là… đi dạy học. Khi mới chỉ có bằng A (tức là học xong cuốn Streamline A), cô hàng xóm nhờ tôi kèm cho cậu con trai đang học tiểu học của cô ấy. Tôi liều nhận lời. Và tôi nghiệm ra rằng: cách tự học ngoại ngữ rất tốt là: đi dạy. Việc phải dạy học khiến tôi phải học nhiều hơn, luyện nhiều hơn, và kết quả học tiếng Anh của tôi khá hơn hẳn.

Xung quanh tôi ngay giờ đây cũng có biết bao tấm gương vượt khó vươn lên như cha mẹ tôi thủa nào. Họ đã tự học như thế nào, đó là điều tôi luôn muốn tìm biết. Tôi cũng mong diễn đàn hãy đem đến những triết lý tự học, kinh nghiệm tự học các ngành nghề khác nhau, để người học cùng chia sẻ và giải quyết vấn đề của mình.

NGUYỄN THANH HUYỀN
(Hiện là NCS ngành PR ở Seoul, Hàn Quốc)

http://www.tuoitre.com.vn

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        8,370,975       1/619