Tin tức

Sinh viên xưng "tôi": khó quá!

TT - Người sinh viên đến trường phải biết rằng mình có quyền hoài nghi và tranh cãi, có đủ tư cách và vai vế để làm điều đó. Người thầy sẽ gọi sinh viên đàng hoàng là các anh chị, sinh viên sẽ xưng "tôi" một cách đàng hoàng. Cứ tưởng đó là chuyện không hề lớn, vậy mà hóa ra rất khó thực hiện.Và đó là lý do dẫn đến hội thảo "Tính chủ động của tư duy, phương pháp và tinh thần đại học" thu hút cả trăm giáo sư, giảng viên, nhà quản lý các trường đại học... được tổ chức trong hai ngày 17 và 18-1 tại TP.HCM... 

>> Sinh viên trước câu hỏi của trường đời
>> Trong sự nhân hậu của học trò

Hội thảo "Tính chủ động của tư duy, phương pháp và tinh thần đại học" diễn ra trong hai ngày 17 và 18-1 tại TP.HCM, do ĐH tư thục Hoa Sen tổ chức. 150 đại biểu là các giáo sư, giảng viên, nhà quản lý các trường ĐH trong và ngoài nước tham dự.

Dưới đây là một số ý kiến của các nhà giáo, nhà quản lý xung quanh câu chuyện tự chủ ĐH và tính chủ động của tư duy ĐH...

* TS Trần Vũ Bình (ĐH tư thục Hoa Sen): Trang bị kiến thức mà cả đời không sử dụng

Có nhiều kiến thức được trang bị mà cả đời cá nhân đó không được sử dụng. Những bất cập này được thể hiện xuyên suốt trong quá trình đào tạo ở mọi hệ và bậc đào tạo.

Ngay cả ở bậc ĐH, khi sự phân ngành và nghề nghiệp rõ ràng, quan điểm này vẫn tiếp tục được áp dụng máy móc với khối kiến thức đại cương chiếm tỉ trọng khá lớn trong chương trình đào tạo.

Với cách thực hiện như vậy, người học cũng ngày càng trở nên thụ động vì không được đặt trong môi trường có thể phát huy những khả năng của mình.

Quá trình học tập dần trở thành sự ép buộc mang tính hình thức. Người học dần mất đi khả năng tự chủ trong tư duy, thậm chí tự tập cho mình các hình thức học đối phó. Giáo dục ngày càng xa rời thực tế, tách khỏi bối cảnh xã hội.

Vấn đề trên làm nảy sinh một nhu cầu bức thiết cho xã hội là làm sao xây dựng được các chương trình đào tạo nhằm giúp đỡ mỗi cá nhân tìm được những bối cảnh xã hội thích hợp nhất cho mình và phát huy được mọi năng lực của mình trong bối cảnh xã hội đó.

* Nhà văn Nguyên Ngọc: Sinh viên có quyền hoài nghi và tranh cãi


Một tiến sĩ giỏi thì cần gì nhớ kỳ họp nào của Quốc hội thông qua luật nào. Khi cần chỉ cần giở tài liệu ra và bấm mấy nhát vi tính là có thể biết ngay rất chi li.

Vấn đề là khi cần biết tìm ở đâu, tìm bằng cách nào, và quan trọng hơn nhiều là biết cách dùng nó sao cho hiệu quả nhất. Albert Einstein đã nói một câu rất thích đáng về việc tống cho thật nhiều kiến thức chuyên môn vào đầu người học.

Ông bảo: "Với kiến thức chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa...".Tiếc thay trong nhiều trường ĐH của chúng ta, xin lỗi, chúng ta đang làm theo cách đó. Và rất nhiều các trò chơi trên tivi hằng ngày bây giờ cũng đang ra sức cổ vũ, biểu dương cho kiểu nhớ đó...

Người SV đến trường phải biết rằng mình có quyền hoài nghi và tranh cãi, có đủ tư cách và vai vế để làm điều đó. Chúng tôi sẽ gọi SV đàng hoàng là các anh chị, SV sẽ xưng tôi một cách đàng hoàng.

Chúng tôi cho rằng việc đó không hề nhỏ, và hóa ra rất khó thực hiện, rất khó để từ bỏ thói quen coi tất cả SV là trẻ con. Chúng tôi muốn bắt đầu điều gọi là tư duy độc lập, tự chủ ở ĐH bằng thay đổi tư thế ở người SV, coi SV là những người trưởng thành, bình đẳng với người thầy trong việc cùng nhau khám phá những chân lý ở đời trong mọi lĩnh vực.

Người thầy là người bạn lớn, từng trải hơn, giàu kinh nghiệm hơn, sẽ là người bạn đường tận tụy trên suốt con đường khám phá thế giới của người SV.

* Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh: Tất cả là người thầy

Ngay khi tôi du học ở Mỹ, tôi đã thấy những thầy cô đổ quạu khi học trò chất vấn quá nhiều. Do đó muốn cho trò tự tin để suy nghĩ độc lập, chính thầy phải tự tin.

Người thầy tự tin nhờ năng lực chuyên môn và phẩm chất về nhân cách của mình. Kiến thức chuyên môn của thầy phải rất rộng mới dám để cho người học phát biểu mà không sợ ra ngoài đề. Thầy cũng không sợ sự chất vấn và sẵn sàng nghe những ý kiến trái ngược mà không khó chịu.

Nhà giáo dục Pháp Jean Jaurès nhấn mạnh rằng: "Người ta chỉ và chỉ có thể dạy bằng con người hay nhân cách của mình". Thật vậy, khi thầy là tấm gương thì học trò rất mê, nên thầy không sợ sự phá phách hay chống đối.

Cuối cùng, cái khó nhất của giáo dục chủ động là làm thay đổi được hình ảnh về bản thân của người học vì người thiệt thòi, bị "áp bức" lâu năm không còn tin vào giá trị của mình nên trở nên thụ động. Người thầy bằng niềm tin vô bờ bến, bằng kỹ năng rất tinh xảo mới khơi dậy nơi họ niềm tin mới ở bản thân.

Những điều trên cho thấy người thầy là sản phẩm của giáo dục giáo điều (nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội) sẽ khó có thể tự tin để khơi gợi cho SV dám suy nghĩ khác đi (vì chính họ cũng là nạn nhân của sự "áp bức" về tư tưởng).

Trong giáo dục gia đình, học đường hay trong quản lý có những thái độ và thói quen không còn phù hợp với diễn biến thời đại. Nhất là khi đã là một người thầy thì cái gì mình nói cũng phải đúng. Tôi có được một quá trình cải tạo, nghĩa là phải gột rửa cái cũ để đưa vào cái mới. Điều này thật khó và có khi phải chờ một vài thế hệ mới thay đổi được.

 

http://www.tuoitre.com.vn

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        8,370,972       1/619