Tuyên truyền

Sinh viên đang học  »  Tuyên truyền


Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh "Kỳ 10 - Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự nghiệp giáo dục nước nhà"

     “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”. Dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay vốn rất coi trọng truyền thống hiếu học tôn sư trọng đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc ngay từ cái nôi gia đình và quê hương. Nghệ An – quê hương của Người có nhiều anh hùng nổi tiếng trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm như Mai Thúc Loan, Phan Bội Châu… mảnh đất có truyền thống hiếu học đã hun đúc nên tư tưởng nhân văn cao cả Hồ Chí Minh.

     Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho giáo nên từ nhỏ Bác đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tấm gương kiên trì học tập của người cha và ông ngoại - một nhà giáo mẫu mực. Trước khi ra đi tìm đường cứu nước Bác từng có thời gian dạy học tại trường Dục Thanh (Phan Thiết).

    Theo sử liệu cũ còn ghi chép lại vào khoảng tháng 8, tháng 9 năm 1910, trên đường tìm phương cứu nước, từ Huế, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, khi ấy vừa tròn 20 tuổi, được ông nghè Trương Gia Mô - vốn là bạn đồng liêu cũ của cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Bác Hồ) - giới thiệu đến Phan Thiết dạy học tại ngôi trường này. Học sinh của trường có khoảng 60 người cùng 7 thầy giáo giảng dạy các bộ môn: Hán văn, Pháp văn, Thể dục thể thao… Thầy Nguyễn Tất Thành dạy lớp nhì, chủ yếu là dạy quốc ngữ, Hán văn. Trong thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh ngoài những nội dung được phân công giảng dạy, bằng tình cảm người thầy, người anh, thầy Thành còn truyền bá lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên cho học sinh.

    Những tháng ngày dạy học tại Trường Dục Thanh ở thành phố biển Phan Thiết tuy không dài nhưng đã để lại nhiều ấn tượng, nhiều kỷ niệm sâu sắc trong lòng Bác về nhà trường, về nghề dạy học.


Thầy giáo Nguyễn Tất Thành thời còn dạy học tại
trường Dục Thanh - Phan Thiết (Ảnh minh họa)

     Sau mấy tháng dạy học ở Trường Dục Thanh, Bác rời trường đi vào Sài Gòn, thực hiện hoài bão từng nung nấu là tìm cách đi sang Pháp và các nước phương Tây để xem "họ làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào chúng ta".

     Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, ngày 28/01/1941, Bác Hồ trở về Tổ quốc Việt Nam trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Trước hết, Người lo “diệt giặc đói khổ, diệt giặc dốt”. Ngày 01/02/1942, Người viết bài “Nên học sử ta”, in trên Báo Việt Nam độc lập:

“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

     Người căn dặn: Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng, cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước, tiếng để muôn đời.

     Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã nêu ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà. Một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất, thiết thực nhất mà chính quyền Cách mạng vừa mới ra đời phải giải quyết trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn đó là “nạn dốt”. Người chỉ rõ: “Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta…Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ” .

     Chiến dịch chống nạn mù chữ chính thức dược phát động từ ngày 8 tháng 9 năm 1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra các sắc lệnh: Sắc lệnh số 17 đặt ra một bình dân học vụ trong toàn cõi Việt nam; Sắc lệnh số 19 lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối; Sắc lệnh số 20 định rằng việc học chữ quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền.


Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng trường cấp I dân lập phố Hàng Ngang,
Hà Nội, ngày 31.12.1958
(Ảnh tư liệu)

    Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường tháng 9-1945, Bác Hồ đã nói với các em tâm nguyện của mình nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”

     Không dừng lại ở lòng mong mỏi, Người thường xuyên động viên, thăm hỏi khuyến khích mọi người thi đua học tập, trau dồi kiến thức để có đủ năng lực làm chủ, xoá bỏ mặc cảm tự ti của thân phận nô lệ, mù chữ. Học tập để góp ích thiết thực cho độc lập, tự do, và học tập là yêu nước, nên Người luôn tự mình cố gắng học tập và đề nghị mọi người sẽ còn phải cố gắng nhiều hơn nữa trong học tập.


Bác Hồ và các em thiếu nhi (Ảnh tư liệu)

     Ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh “Về việc thành lập Hội đồng cố vấn học chính”. Hội đồng gồm có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và 30 hội viên chọn ở các ngành, các giới để nghiên cứu trình Chính phủ những chủ trương, chính sách về giáo dục.

     Bác rất quan tâm đến việc tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên – những chiến sĩ tiên phong chống nạn mù chữ. Bác viết thư gửi anh chị, em giáo viên bình dân học vụ – những nhà giáo làm việc mà không có lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm. Lòng hăng hái và nỗ lực của anh chị, em đã mang lại kết quả là đồng bào ta nhiều người biết đọc, biết viết. Người khen ngợi: “Vinh dự đó thì tượng đồng bia đá nào cũng không bằng”.

     Tại lớp học chính trị của các giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc vào ngày 13/9/1958, Bác nói lời tâm huyết: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

     Bác giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục trực tiếp là các nhà giáo đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho Nhà nước. Người căn dặn các thầy giáo, cô giáo không ngừng tu dưỡng đạo đức, không ngừng học tập, nâng cao nghiệp vụ.


Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bia ghi danh các tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam tại
Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội ngày 29.1.1960 (Ảnh tư liệu)

     Trước lúc đi xa, Bác Hồ kính yêu đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân bản “Di chúc"" lịch sử, gởi gắm cho chúng ta và các thế hệ mai sau. Trong “Di chúc"", Bác dặn: “Đầu tiên là công việc đối với con người""... “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết"" . Theo Người, thế hệ kế tục sự nghiệp sẽ là thế hệ quyết định sự thành công của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta.

    Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục. Năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra quyết định số 167-HĐBT lấy ngày 20-11 hàng năm làm ngày nhà giáo Việt Nam. Quyết định này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về vị trí vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ tổ quốc.

     Công cuộc đổi mới đất nước hiện nay đang đặt ra nhiều yêu cầu về nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức nhà giáo. Hơn lúc nào hết chúng ta cần xây dựng được đội ngũ những người làm công tác giáo dục có đầy đủ phẩm chất, năng lực, vừa “hồng”, vừa “chuyên” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra. Có như vậy mới đảm bảo giáo dục thật sự là "quốc sách hàng đầu", phục vụ đắc lực công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

(Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp từ Internet)


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,315,039       1/847