Phòng & điều trị bệnh

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phòng & điều trị bệnh


Dịch sốt xuất huyết Ebola - Những điều cần biết

     Bệnh do vi rút Ebola hay còn được biết đến là sốt xuất huyết do vi rút Ebola, được phát hiện lần đầu tiên tại Sudan và Cộng hoà Công Gô vào năm 1976. Vì nó được phát hiện ở một ngôi làng ven sông Ebola, nên người ta đặt tên là vi rút Ebola. Đây là một trong những chủng vi rút nguy hiểm nhất thế giới, tổ chức Y tế thế giới cảnh báo tỉ lệ tử vong do Ebola có thể lên đến 90%.


Người dân các nước Tây Phi đang hoảng loạn vì Ebola (Ảnh BBC).

     Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang tích cực phòng chống bệnh do vi rút Ebola. Bởi đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây lan nhanh và tỉ lệ tử vong cao. Hơn 1.300 ca bệnh được ghi nhận ở châu Phi từ đầu năm đến nay, trong đó 60% là tử vong.

     Để ý thức rõ hơn về sự nguy hiểm của Ebola cũng như cách bảo vệ mình một khi dịch bệnh bùng phát, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua một vài thông tin sơ bộ về Ebola, về đại dịch lần này.

I. Virus Ebola lây nhiễm sang người như thế nào

- Virus Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm bệnh.

- Virus Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể người mắc bệnh như phân, nước tiểu, nước bọt,… hoặc các vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm virus Ebola (quần áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng).


Hình ảnh Vi rút Ebola qua kính hiển vi (Ảnh: Internet).

- Dịch Ebola còn có thể lan rộng từ quốc gia này sang quốc gia khác thông qua con đường du lịch. Người bệnh nhiễm virus Ebola có thể mang mầm bệnh khi di chuyển tới quốc gia khác.

II. Dấu hiệu nhận biết và triệu chứng bệnh do virus Ebola

- Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện triệu chứng như sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng.

- Tiếp theo là các triệu chứng nôn, tiêu chảy, phát ban, suy thận, suy gan.


Vi rút Ebola gây ra những cục đông trong máu tạo thành các
đốm đỏ, phồng rộp trên da người bệnh (Ảnh: Internet)

- Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài.

- Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày.

- Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.

- Đến giai đoạn cuối, bệnh nhân sẽ bị chảy máu từ miệng, mắt, tai, mũi và những vết hở trên da. Bệnh nhân sẽ chết do mất quá nhiều máu, suy thận, hoặc bị sốc.

- Bệnh có tỷ lệ tử vong lên tới 90%, chưa có thuốc đặc trị và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Do đó, điều cần làm lúc này là phòng bệnh.


Các nhân viên y tế đang di chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do nhiễm Ebola (Ảnh: Internet).

III. Làm gì để phòng nhiễm virus Ebola

- Hiểu rõ đặc điểm của bệnh, đường lây truyền, biện pháp phòng chống dịch bệnh.

- Thực hiện vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng, chất sát khuẩn…).

- Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh.

- Thịt và tiết của động vật nên được nấu chín kỹ trước khi ăn.

- Không cầm/nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó.

- Nếu phải tiếp xúc với người bệnh thì cần thực hiện nghiêm ngặt: mặc áo choàng, đeo khẩu trang, đội mũ, đi găng vô khuẩn.


Đeo khẩu trang cách ly là một trong những biện pháp phòng bệnh cần thiết (Ảnh: Internet).

- Khi xuất hiện các triệu chứng: sốt, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, nôn, đau bụng, phát ban, đỏ mắt, cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, theo dõi bệnh và có biện pháp xử trí kịp thời./.

(Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp)


 


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  4,614,500       1/857