Phổ biến kiến thức

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phổ biến kiến thức


6 cách không dùng thuốc giúp giảm nhẹ chứng COVID kéo dài

Các giải pháp tự nhiên có thể giúp bạn đối phó với các triệu chứng COVID kéo dài: Thực phẩm, vi chất dinh dưỡng, hoạt động thể chất ... Chuyên gia dinh dưỡng người Pháp Raphaël Gruman mách bạn 6 giải pháp tự nhiên cho các chứng rối loạn COVID kéo dài khác nhau.

Chứng COVID kéo dài khi có ít nhất một trong các triệu chứng ban đầu, sau 4 tuần kể từ khi bắt đầu giai đoạn cấp tính của bệnh. Người ta ước tính 30% những người đã bị COVID-19 có các triệu chứng kéo dài hơn một tháng kể từ đợt ban đầu và 10% trong số họ vẫn gặp các triệu chứng này sau 6-8 tháng. Trẻ em cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chứng COVID kéo dài này.

Các triệu chứng thường gặp nhất của COVID kéo dài: 

Mệt mỏi nặng, rối loạn thần kinh (nhận thức, cảm giác, đau đầu), rối loạn tim-lồng ngực (đau và tức ngực, nhịp tim nhanh, khó thở, ho), rối loạn khứu giác và vị giác. Những cơn đau hay rối loạn về tiêu hóa, da cũng thường gặp.

Hiện tại không có phương pháp điều trị cụ thể, nhưng việc điều trị các triệu chứng kết hợp với nghỉ ngơi, đôi khi tập luyện và/hoặc tái thích ứng hô hấp giúp cải thiện trong vài tháng. 

Dưới đây là các biện pháp tự nhiên giúp cải thiện chứng COVID kéo dài:

1. Bổ sung các thực phẩm vào chế độ ăn 

Việc bổ sung các thực phẩm vào chế độ ăn hàng ngày sẽ giúp cải thiện chứng mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa do COVID kéo dài

- Mệt mỏi là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của COVID kéo dài. Để chống lại sự mệt mỏi quá mức này, chuyên gia dinh dưỡng Raphaël Gruman đề xuất 2 loại thực phẩm dễ dàng kết hợp vào chế độ ăn uống của bạn, trước hết là nước chanh có tác dụng giải độc gan. Thứ hai là mật ong có tác dụng lên hệ thống miễn dịch và chống mệt mỏi.

 - Bổ sung các thực phẩm giàu probiotics và prebiotics giúp cân bằng lại các rối loạn tiêu hóa do COVID kéo dài: COVID dai dẳng có thể đi kèm với rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy kéo dài. Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo: "Để cân bằng quá trình vận chuyển thức ăn, cần tác động lên hệ vi khuẩn bằng cách ưu tiên các loại thực phẩm giàu probiotics và prebiotics như các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu". Kết hợp với hoạt động thể chất để tăng cường cho vùng bụng, thúc đẩy nhu động ruột và điều hòa vận chuyển thức ăn tốt hơn.

9 cách không dùng thuốc giảm nhẹ chứng COVID kéo dài - Ảnh 2.

Nước chanh chống mệt mỏi sau mắc COVID-19.

2. Chú trọng omega-3, nghệ giúp cải thiện các chứng rối loạn da, thần kinh

Những người bị chứng COVID kéo dài thường có các triệu chứng về da như: Khô da, mẩn đỏ, phát ban... Theo chuyên gia dinh dưỡng Raphaël Gruman: "Acid béo omega-3 giúp dưỡng ẩm cho da, nghệ có tác dụng chống viêm, nha đam chứa barbaloin là chất khử trùng da, nước khoáng giàu magiê và bicarbonat vì những khoáng chất này giải độc gan cho phép một làn da sáng sủa hơn".

Rối loạn thần kinh nhưu: Mất ý thức, lú lẫn, viêm não, hội chứng Guillain-Barré (viêm đa dây thần kinh cấp tính), rối loạn nhận thức như khó tập trung và ghi nhớ... là một trong những triệu chứng của COVID kéo dài. Để giúp giảm khó khăn trong nhận thức, tập trung và ghi nhớ, chúng ta nên ưu tiên cho acid béo omega-3. 

Chuyên gia dinh dưỡng Raphaël Gruman cho biết: "Những acid béo này thúc đẩy sự linh hoạt của màng não. Omega-3 được tìm thấy trong các loại cá béo (cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi), trong dầu hạt lanh. Cũng nên tiêu thụ các loại thực phẩm giàu sắt, sắt heme được đồng hóa tốt hơn, để cung cấp oxy cho não càng nhiều càng tốt", chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo. Sắt heme có trong thịt đỏ, tiết, gan bê…

9 cách không dùng thuốc giảm nhẹ chứng COVID kéo dài - Ảnh 3.

Nghệ thực phẩm tốt cho da.

3. Hoạt động thể chất điều chỉnh các rối loạn cơ xương, tâm lý 

- Tập kéo giãn: Rối loạn cơ xương kéo dài và/hoặc đau đớn là một trong số các triệu chứng của chứng COVID kéo dài. Trước hết, một hoạt động thể chất thích hợp, nhẹ nhàng nhất có thể, chẳng hạn như kéo giãn, để không tạo ra sự căng cơ và với thời gian phục hồi dài để cung cấp oxy đúng cách cho cơ, gân và khớp. Chuyên gia dinh dưỡng Raphaël Gruman khuyên: "Về chế độ ăn uống, điều quan trọng là tiêu thụ thực phẩm giàu glucosamine, kẽm và selen (cua, tôm) tham gia vào quá trình tạo sụn".

Tham gia hoạt động thể chất ngoài trời: Nhiều người mắc COVID kéo dài phải chịu rối loạn tâm lý lo lắng, rối loạn tâm trạng, cáu gắt, trầm cảm, căng thẳng sau đó. Các biện pháp tự nhiên được đề xuất bởi chuyên gia dinh dưỡng Raphaël Gruman là nên tham gia một hoạt động thể thao, môn thể thao cho phép tiết ra endorphin có tác dụng giống như thuốc chống trầm cảm tự nhiên. Hoạt động được đề xuất là tập cardio (các bài tập làm tăng nhịp tim) ngoài trời, để cung cấp oxy cho não và giúp thay đổi tâm trạng.

6 cách không dùng thuốc giúp giảm nhẹ chứng COVID kéo dài - Ảnh 4.

Tham gia hoạt động thể chất ngoài trời giúp cải thiện các rối loạn cơ xương, tâm lý.

4. Tái tạo mất mùi, vị bằng các bài kiểm tra

Mất vị giác hoặc khứu giác có thể kéo dài sau khi bị nhiễm COVID-19. Chuyên gia dinh dưỡng Raphaël Gruman thông báo:"8% số người bị mất khứu giác vẫn chưa phục hồi khả năng của mình. Tái tạo lại mùi bằng các bài kiểm tra khứu giác hoặc vị giác. Có thể kích thích vị giác bằng cách kích thích trí nhớ giác quan để hồi sinh vị giác đã bị tổn thương".

5. Bổ sung chất chống oxy hóa nhằm cải thiện rối loạn tim mạch

Các triệu chứng về tim (do viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, tiêu huyết khối tĩnh mạch...) vẫn tồn tại trong vài tuần hoặc thậm chí vài tháng sau khi phát bệnh ở một số lượng lớn những người bị COVID kéo dài.

Các giải pháp tự nhiên: Các chất chống oxy hóa bao gồm tỏi đen. Tỏi đen rất giàu S-AllylCystetine (SAC), một chất bảo vệ tim mạnh mẽ. Bên cạnh đó trà xanh cũng rất tốt. Các catechin của trà xanh hoạt động như một chất bảo vệ tim và trao đổi chất.

6. Chú trọng thực phẩm chống viêm nhằm điều chỉnh rối loạn hô hấp

Phổi là một trong những cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID-19. Các vấn đề về hô hấp có thể vẫn tồn tại sau khi bị nhiễm. Các triệu chứng có thể có của COVID kéo dài: Cảm giác ức chế, khó thở, đau xương sườn, đau thắt từng nhịp thở... "Chính vì thế, cần phải tập trung vào thực phẩm chống viêm, đặc biệt là cà chua, hành, tỏi ... cũng như coenzyme-Q10 có trong cá béo. Gừng, được thêm vào làm gia vị hoặc xay tươi trong các món ăn, cũng được chỉ định vì gừng có tác dụng chống viêm, đặc biệt là đối với phổi", chuyên gia dinh dưỡng Raphaël Gruman khuyến nghị. 

Theo suckhoedoisong.vn


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  5,313,850       1/658