Tin tức

Giải pháp sản xuất dược liệu từ nông sản sẵn có của Việt Nam - Xây dựng mô hình nuôi cấy mô ống nghiệm lan Thạch hộc tía từ phân trùn quế

   

Nhận thấy nguồn nguyên dược liệu của Việt Nam phục vụ cho hoạt động sản xuất thực phẩm chức năng, dược phẩm, nước giải khát là khá phong phú, nhiều giải pháp nghiên cứu khoa học nhằm phát huy vai trò của những loại dược liệu này, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân đã được Khoa Kỹ thuật hóa học và Môi trường (trường đại học Lạc Hồng) thực hiện.

 

Nghiên cứu thử nghiệm này được thực hiện bởi nhóm giảng viên và sinh viên khoa Kỹ thuật hóa học và Môi trường (trường đại học Lạc Hồng) nhằm xây dựng quy trình nuôi cấy mô trong ống nghiệm (In vitro) cây hoa lan Thạch hộc tía (tên khoa học là Dendrobium officinale Kimura et Migo) bằng môi trường hữu cơ chứa phân trùn quế kết hợp với bột sắn dây, kích thích sự tái sinh chồi và tạo rễ cho cây, qua đó giúp hạ giá thành sản xuất mà vẫn đảm bảo cây lan giống có thể phát triển bình thường, đồng thời đưa giống cây sạch vào trong nghiên cứu tách chiết các hợp chất có giá trị dược liệu, phục vụ nhu cầu chăm sóc, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng.

Hình 1: Cây hoa Lan Thạch hộc tía.

Nghiên cứu thử nghiệm của nhóm nghiên cứu thực hiện với 0,2g Protocorm Lan Thạch hộc tía được sử dụng cho thí nghiệm để xác định hàm lượng phân trùn quế làm môi trường nền, đồng thời sử dụng các chồi Lan Thạch hộc tía cao 1,5cm và 2,5cm đối với thí nghiệm ra chồi và rễ trên môi trường bổ sung hàm lượng sắn dây khác nhau. Kết quả cho thấy, hàm lượng phân trùn quế thích hợp làm môi trường nền cơ bản là 5%/I TQ + 8g/I agar + 20g/I glucose sẽ thu được  khối lượng tươi Protocorm là 0,58g/1 bình cấy. Môi trường thích hợp để nhân nhanh thể chồi là 5%/I TQ + 10g/I SD + 8g/I agar + 20g/I glucose, sẽ cho hệ số nhân chồi là 2,67 chồi/mẫu, chiều cao chồi trung bình 0,93cm/chồi. Ở thí nghiệm ra rễ, chiều dài của rễ lan đạt 3,78cm/mẫu và số rễ hình thành là 5,33 rễ/mẫu, đạt cao nhất trên môi trường 5%/I TQ + 5g/I SD + 8g/I agar + 20g/I glucose sau 8 tuần nuôi cấy.

Hình 2: Nuôi cấy mô lan thạch hộc tía trong phòng lạnh

Bước đầu giải pháp đã nuôi cấy thành công mô giống lan Thạch hộc tía và thu được kết quả khả quan. Cây giống có thể sống và phát triển tốt trên môi trường nền phân trùn quế. Ngoài ra, nhóm tác giả còn sử dụng một số nguyên liệu hữu cơ khác như bột sắn dây nhằm xây dựng hoàn thiện quy trình nhân giống lan Thạch hộc tía Invitro trong điều kiện hữu cơ hoàn toàn. Việc nuôi trùn quế lấy phân chính là áp dụng công nghệ xử lý rác thải hữu cơ và chất thải từ động vật bằng con trùn quế, một trong những công nghệ sinh học rẻ tiền nhất hiện nay. Giải pháp này có nhiều ưu điểm: công nghệ đơn gian, dễ dàng thực hiện, nguyên liệu dễ tìm mua, góp phần giảm chi phí, giá thành sản phẩm. Việc nuôi cấy mô trên môi trường hoàn toàn hữu cơ giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn cho người sử dụng. Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả bước đầu giải pháp đạt được, có thể sử dụng phân trùn quế trong nuôi cấy mô bằng ống nghiệm lan Thạch hộc tía sẽ giảm thiểu việc sử dụng các thành phần hóa học trong hoạt động nuôi cấy, từ đó đưa nguyên liệu sạch và an toàn vào tách chiết các hợp chất có giá trị dược liệu.

Theo các tài liệu nghiên cứu, lan Thạch hộc tía được đánh giá không chỉ là một trong giống hoa cảnh đẹp; đặc biệt đây còn là loại dược liệu rất quý. Hoa lan có rất nhiều chi khác nhau, riêng chi Thạch hộc có 14 loài và 12 loài phụ, trong đó chỉ có 11 loài làm thuốc quý, nhưng Thạch hộc tía là loại làm thuốc tốt nhất, được bán với giá cao nhất trên thị trường. Thạch hộc tía với đặc trưng vỏ cây có màu xanh tía, là cây thảo bản phụ sinh lâu năm, ngoài tự nhiên thường sống bám vào cây gỗ lớn rừng nguyên sinh có độ ẩm cao hoặc ở vách đá ẩm ướt, ưa khí hậu ẩm và râm mát, có giá trị cao về dược phẩm.

Thạch hộc tía giàu polysacarit thạch hộc, alkaloit thạch hộc, các acid amine và nhiều chất khoáng kali, canxi, magie, mangan, đồng, titan và nhiều nguyên tố vi lượng, trong đó polysacarit thạch hộc tới 22%, hàm lượng các acid amine như glutamic, asparagic, glucin chiếm tới 35% tổng lượng acid amine. Ngoài ra Thạch hộc tía còn có những hợp chất đặc thù như phenanthryn, bibenzyl , keton, ester và các chất nhầy, hợp chất amidon. Ngoài ra, trong thân Thạch hộc tía có hàm lượng alkaloit sinh học chiếm tới 0,3%, trong đó những chất amine đã được giám định cấu trúc gồm dendrobine, dendramine, nobilonine, dendrin, 6-hydroxy-dendroxine, shiunin, shihunidine và muối amoniac N-methyl-dendrobium, 8-epidendrobine, các chất này có vị hơi đắng.

Giá trị dược phẩm của lan Thạch hộc tía có 2 công năng cơ bản là làm thuốc và thực phẩm. Trong nghiên cứu dược lý hiện đại, Thạch hộc tiá có tác dụng chống ung thư, chống lão hóa, tăng sức đề kháng của cơ thể, làm dãn mạch máu và kháng đông máu, được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng và kết hợp với các dược phẩm khác làm các bài thuốc khác nhau. Sử dụng làm thực phẩm thì có nhiều cách như nấu súp với hồng sâm, với bách sa sâm lợi phổi sinh tân. Ngoài ra có thể nấu cháo Thạch hộc, trà Thạch hộc và nhiều món ăn khác… Do đó, phát triển giống lan Thạch hộc tía sạch là một hướng đi phát triển kinh tế hiệu quả, khả quan hiện nay.

Trích theo Quốc Minh (https://dost-dongnai.gov.vn/Pages/noi-dung-tin.aspx?NewsID=2536&TopicID=9)

Khoa Khoa học và Công nghệ thực phẩm

dược liệu, tin tức, khoa học


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        5,771,104       1/978